19/2/12

BÀI HỌC KHÔNG CÓ TRONG NHÀ TRƯỜNG

Gia đình tôi không thuộc hạng giàu có với nhà biệt thự hay xe hơi như nhiều đứa bạn khác. Nhưng bố mẹ luôn tảo tần và vất vả để anh em tôi có thể chuyên tâm vào chuyện học hành.

Nhiều đứa nhóc trong xóm nhà nghèo khó phải theo mẹ ra đồng trồng lúa, lượm khoai. Vài đứa khác lại theo những anh chị lớn tuổi đi làm công nhân. Anh em tôi tự biết mình may mắn khi gần 20 tuổi đời nhưng chưa từng phải có nỗi lo kiếm tiền.
Vài tháng trước, em gái nhỏ trong nhà xin phép bố mẹ đi làm phục vụ ở cửa hàng thức ăn nhanh gần nhà trọ, một ngày 4 tiếng, lương được triệu hai. Em háo hức khi nghĩ tới đồng lương sẽ nhận được, em hạ quyết tâm chăm chỉ làm việc vì muốn có đủ tiền tự mình thực hiện giấc mơ ghé thăm Sài Gòn vào hè này. Mẹ thương em vất vả nên cản ngăn. Con bé khăng khăng nài nỉ. Mẹ ngậm ngùi nghĩ tới cảnh đứa con gái chưa quen gian khó phải tập tành bươn chải.

Công việc không đơn giản như em nghĩ. Những buổi học ở trường thường kết thúc muộn hơn giờ quy định khiến em phải chạy như bay ra bến xe bus để không muộn giờ làm. Đôi chân bé nhỏ sưng tấy vì phải di chuyển quá nhiều. Thi thoảng vì lơ đãng, em mang nhầm đồ ăn cho khách, em kêu nhầm thứ khách gọi. Mọi chuyện lộn tùng phèo, quản lý nhiếc móc, khách phàn nàn.

Nhiều hôm tôi thấy em trở về nhà khi toàn thân sực mùi đồ ăn nhiều chất béo, tay chân mỏi nhừ tựa không còn sức sống. Có bữa tay em phải băng vì những mảnh thủy tinh vô tình cắm vào tay khi em hậu đậu làm đổ khay đồ uống trên đường mang ra cho khách. Tôi biết em đã cố gắng lắm để không khóc. Em gái bé nhỏ vẫn thường hờn dỗi vì những chuyện nhỏ nhặt ở nhà, giờ đã trưởng thành theo một cách riêng ?

Rồi em nghỉ việc ở quán, để theo đuổi một công việc khác tưởng chừng ít vất vả hơn. Không hẳn vì em không thể chịu đựng thêm những nhọc nhằn người khác có thể chịu. Chắc chắn không phải bởi em gái ngốc nghếch của tôi đã nản lòng với việc kiếm tiền thực hiện ước mơ của bản thân. Em hẳn đã tìm được những bài học cần thiết ở nơi ấy, không chỉ về lao động, mà còn về giá trị của đồng tiền. Ngày khoe với tôi về những đồng lương đầu tiên nhận được, tôi thấy mắt em rơm rớm. Những ca làm việc mệt lả người đã dạy cho em tôi điều em nên học, mạnh mẽ và kiên cường. Dù có thể, nó phải đánh đổi bằng những tủi hờn, buồn bã.

Kì nghỉ Tết chưa kết thúc nhưng em và những “đồng nghiệp” của mình đã lao vào công việc, với chiếc máy ảnh làm bạn đồng hành, với giấy và bút làm công cụ tác nghiệp. Em trở thành cộng tác viên đưa tin cho một tờ báo. Em phải di chuyển nhiều, em mệt nhoài với những phút giây chỉnh sửa ảnh trước khi gửi đi. Đôi khi, tôi thấy em gần như kiệt sức.

Bữa trước, tôi chợt tỉnh giấc giữa đêm khi bị đánh thức bởi cơn ác mộng kinh hoàng. Thấy phòng em vẫn sáng đèn, tôi bước vào. Cô nhóc đã ngủ gật tự lúc nào, tay vẫn nắm hờ con chuột máy tính. Tôi bế em ra giường, giúp em đắp chăn cẩn thận. Những hơi thở rất khẽ, gương mặt thoáng nỗi lo âu. Hẳn vì công việc còn đang dang dở.

Tôi có thể ngăn cô nhóc tiếp tục công việc làm thêm, tôi có thể bảo vệ em gái mình khỏi những vất vả của hành trình kiếm tiền bằng cách ngăn cản. Em luôn nghe lời tôi. Nhưng liệu có cần thiết không khi tôi biết rằng em gái mình đang đi đúng hướng? Liệu có cần thiết không khi em gái tôi đang được học những điều chẳng sách nào có thể dạy một cách chính xác và tỉ mỉ? Liệu có cần thiết không khi tôi biết rằng em gái tôi sẽ học được cách trân trọng những đồng tiền khó kiếm? Bởi trên đời này, có đồng tiền nào dễ kiếm đâu em ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

- Để tránh những hiểu nhầm không mong muốn, bạn vui lòng sử dụng Tiếng Việt có dấu khi viết nhận xét.
- Vui lòng không nhận xét Ẩn danh/Nạc danh, nên chọn Tên/URL để viết nhận xét (URL có thể bỏ trống).