14/3/12

Chiềng Ân: “Hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần!”

Chiềng Ân: “Hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần!”

Sáng 11/3/2012, Đức cha Gioan Maria Vũ Tất, giám mục giáo phận Hưng Hóa, đã tới xã Chiềng Ân, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, ban bí tích Thêm sức cho 460 anh chị em dân tộc H’Mong. Đây là lần đầu tiên sau 20 năm theo đạo, nhiều người công giáo nơi đây được dự thánh lễ đầu đời. Một niềm vui lớn cho những ai quan tâm tới đời sống đức tin của cộng đoàn công giáo Sơn La, cách riêng những cộng đoàn của anh chị em người H’Mông Tây Bắc.

Giáo điểm Chiềng Ân, huyện Mường La, cách thành phố Sơn La khoảng 80km. Đây là cộng đoàn công giáo H’Mông lớn nhất trong số các cộng đoàn công giáo người H’Mông tại tỉnh Sơn La.

Cái giá phải trả cho đức tin

Già làng Cứ A Ký, nguyên Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch xã đi tìm "cái đạo" về cho dân làng

Khoảng năm 1985, ông Cứ A Ký, khi đó đang làm bí thư xã, chứng kiến cảnh người H’Mông cực khổ với tục lệ thờ ma, vốn có lòng thương yêu bản làng, ông đã đi tìm – như ông nói “cái đạo” nào có thể giúp dân làng bỏ tục thờ ma mà không sợ con ma báo thù. Hằng đêm, với chiếc đài radio cũ kỹ, ông chăm chú lắng nghe đài Chân lý Á châu nói về Thiên Chúa. Dần dà, đức tin lớn lên trong ông. Năm 1991, ông một mình cuốc bộ một tuần vượt rừng qua Trạm Tấu, rồi xuống Yên Bái học đạo. Sau khoảng một tháng tầm đạo, ông được rửa tội và trở về bản với một số tranh, ảnh tượng và những kinh sách công giáo bằng tiếng H’Mông. Như một giáo lý viên thực thụ, ông truyền lại kiến thức đạo cho gia đình trước hết và cho người dân Chiềng Ân sau đó. Cứ vậy, cứ vậy, chẳng bao lâu cộng đoàn Công giáo Chiềng Ân hình thành: từ môt gia đình, hai gia đình, rồi con số lớn dần lên tới ngày nay khoảng 600 nhân danh.

Theo “cái đạo Chúa” – như ông Cứ A Ký vẫn thường nói với những người dưới xuôi lên thăm bản làng, vừa là niềm vui, niềm hạnh phúc vì bỏ được tục thờ ma tốn kém, nhưng cũng là một cuộc hành trình đầy khổ hạnh với những thử thách lớn lao. Cái thách đố ấy ông và dân làng đã phải gánh chịu suốt gần 20 năm trời. Số là từ ngày trở lại đạo, niềm vui bỏ được nỗi sợ con ma không được bao lâu, thì một nỗi sợ hãi khác nhãn tiền hơn, luôn rình rập, đó là những áp bức của nhà cầm quyền.

Những món quà đầy tình nghĩa


Suốt nhiều năm trời, người công giáo Chiềng Ân bị chính quyền bức hiếp hành hạ. Họ bị đối xứ bất công vì bị cho là theo “tà đạo” và đã tự truyền đạo cho nhau “một cách trái phép.”

Những buổi cầu nguyện tại tư gia thường xuyên bị theo dõi. Nhiều lần ông Cứ A Ký và những người công giáo Chiềng Ân bị triệu tập lên ủy ban nhân dân xã hạch hỏi và nhiều lần đã bị những hình phạt hà khắc như phạt tiền, quỳ gối giang tay từ sáng tới chiều giữa sân ủy ban để – như cán bộ huyện, xã nói: “Phạt tiền chúng mày và nhất là cho chúng mày giang tay làm Chúa Giêsu xem Chúa của chúng mày có đến cứu chúng mày không?”

Những đòn thù như vậy thật khủng khiếp, nhưng những đòn thù về kinh tế cũng khủng khiếp không kém. Từ ngày trở lại đạo, họ bị cắt tất cả những chính sách kinh tế cho người dân vùng ba Tây Bắc. Họ không được cấp tiền làm nhà, không được kéo điện tới tư gia, không được tham gia các sinh hoạt xã hội tại thôn làng. Mãi tới năm 2007, họ mới được mua điện của hợp tác xã và được cấp tấm lợp làm nhà.

Một nhóm giáo dân Chiềng Ân


Vào thời điểm khó khăn đó, người công giáo Chiềng Ân đã tìm mọi cách để có thể giữ được đạo. Một số người vì không thể chịu được những hình phạt đã bỏ làng ra đi, với duy nhất một ý nghĩ trong đầu, tới đâu có thể giữ được “cái đạo”. Nhiều gia đình dắt díu nhau qua nước bạn Lào vì nghĩ rằng Cộng sản Lào không bắt đạo, nhưng họ đã lầm. Một số người đã phải bỏ xác lại vĩnh viễn ngay biên giới khi vừa bước chân vào nước bạn không được bao xa. Số khác, trong đó có người con cả của ông Cứ A Ký, cùng gia đình xuôi về huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa và đã tạo lập tại đó một cộng đoàn hiện nay số nhân danh khoảng 400 người.

Và “hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần…”

Suốt hơn 20 năm trời âm thầm theo đạo, âm thầm chịu những bắt bớ vô cớ, người công giáo Chiềng Ân cho tới hôm nay vẫn không thể hiểu được tại sao theo đạo lại bị chính quyền qui cho là “có tội” và họ vẫn luôn tin rằng Chúa yêu người H’Mông. Ngài không bỏ rơi họ.

Đón Đức giám mục giáo phận sáng 11/3/2012


Đầu năm 2005, sau gần hai mươi năm theo đạo, lần đầu tiên người H’Mông Chiềng Ân được gặp linh mục. Cuộc gặp gỡ diễn ra chóng vánh trong một căn nhà tồi tàn, biệt lập ở cuối bản. Hàng trăm người H’Mông háo hức từng nhóm nhỏ một tới xem “cái đứa cha nó khác người H’Mông mình thế nào”, rồi cũng lại âm thầm trở về trong niềm vui sướng vì biết rằng người H’Mông không đơn độc trong đời sống đức tin.

Kể từ đó, hàng tháng, hàng quý, những người công giáo dưới xuôi, lại đôi lần âm thầm, “lén lút” lên bản để thăm gặp động viên và chia sẻ đời sống vật chất cũng như tinh thần với những người công giáo nơi đây. Trong số những người giáo dân nhiệt thành tới các bản làng H’Mông công giáo vùng ba Tây bắc phải kể đến ông Giuse Nguyễn Xuân Chính, người xã Nà Sản, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Suốt hàng chục năm qua, ông đã lặn lội khắp mọi bản làng dù cho trong bản chỉ có một gia đình công giáo. Ông tới mang đến cho họ những quà tặng của người dưới xuôi và nhất là mang cho họ một một niềm tin vào sự quan phòng yêu thương của Chúa.

Thế rồi, nhờ sự kiên trì, sự hy sinh vì đạo, những khó khăn thử thách cũng dần qua. Ngày 19/5/2009, Phái đoàn Tự do Tôn giáo Hoa Kỳ tới Sơn La. Sau cuộc gặp gỡ với chính quyền Sơn La, các cộng đoàn giáo dân Sơn La, trong đó có giáo điểm Chiềng Ân không còn phải bí mật, “lén lút” giữ đạo nữa. Họ có thể tập trung cầu nguyện tại gia hằng đêm mà không gặp sự cản trở nào. Noel, lễ tết, họ được mừng lễ với nhau một cách đơn sơ, điều mà họ không thể làm được trong những năm khó khăn trước đó.

Thành quả của hơn 20 năm theo đạo


Và hôm nay, lần đầu tiên, sau hơn 20 năm tự mình tìm đến đạo, chịu bắt bớ, họ được Đức giám mục giáo phận tới viếng thăm và ban bí tích thêm sức.

Có lẽ, đây là một kỷ lục của Giáo hội Việt Nam thời hiện đại. Chiềng Ân tự mình tìm đạo, nghe đài theo đạo, chịu bắt bớ, để rồi 20 năm sau cả làng cùng được lãnh Bí tích thêm sức trong niềm vui hân hoan của mọi người.

"Hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần"


“Hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần!” Lời khẩn cầu và việc đặt tay chúc phúc của Mẹ Giáo hội, qua tác vụ Giám mục giáo phận, trong thời tiết se lạnh của núi rừng Tây Bắc, như xua đi những khó khăn, làm quên đi những đau thương khốn khó và làm sống dậy niềm hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn cho cộng đồng giáo dân Chiềng Ân.

Tương lai vẫn còn dài, nhưng có một niềm tin chắc rằng Thiên Chúa luôn hiện diện và không bỏ rơi dân Ngài, ngay cả khi Ngài như thể vắng mặt.

11/3/2012

Linh mục Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong, C.Ss.R.

Nguồn Blog: Linh mục Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong, C.Ss.R.

Đọc thêm về Chiềng Ân:

Nhà thờ Giáo xứ Khoái Đồng - Giáo phận Bùi Chu - thành phố Nam Định


Bạn đã bao giờ đến thăm Nhà thờ Khoái Đồng chưa?

Nếu chưa, thì khi nào bạn tới thành phố Nam Định, hãy một lần tới thăm ngôi Thánh đường này!
Bởi đây là một công trình kiến trúc mang nhiều dấu ấn lịch sử của Giáo hội Công giáo Việt Nam nói chung và của con cái giáo phận Bùi Chu nói riêng.

Có thể nói: nhà thờ Khoái Đồng và lịch sử Giáo xứ Khoái Đồng - Giáo phận Bùi Chu là một dấu tích của Tình Yêu Thiên Chúa đối với Giáo phận Bùi Chu, đồng thời cũng là một Mầu nhiệm về Ngôi Hai xuống thế làm người, chịu chết vì nhân loại và sự Phục Sinh vinh quang của Ngài!


Đọc tài liệu và tham khảo Bách Chu Niên 4 Chân Phước Tử Đạo Tại Hải Dương (1861-1961) mục Trên Sông Vị Hoàng thì biết như sau:

Nhà thờ Khoái Đồng, một ngôi Thánh đường đồ sộ được xây dựng ngay bên bờ hồ lớn Nam Định. Nhà thờ do các cha Dòng Đaminh xây cất nhờ sự tham gia cộng tác đắc lực của giáo dân. Nhà thờ được khởi công xây dựng năm 1934 cùng với Giáo Hoàng Chủng Viện Thánh Alberto Cả và trường Sư phạm Saint Thomas – Nam Định. Vào dịp Lễ Sinh Nhật năm 1941 một Thánh Lễ Misa được cử hành long trọng lần đầu tiên tại đây. Nhà thờ dâng kính Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo là vì Thánh đường này được xây dựng trên bờ sông Vị Hoàng, nơi hàng vạn anh hùng ẩn danh đã hy sinh tính mạng vì Đức Tin và vì Giáo Hội Việt Nam. Nhà thờ có diện tích 5.800 m2 do các cha Đaminh người Tây Ban Nha điều hành.

Từ năm 1952-1954, cha G.B. Trần Mục Đích O.P., Dòng Đaminh là người Việt Nam về làm phó xứ. Sau biến cố lịch sử 1954, các linh mục ngoại quốc về nước, cha Đích vào Nam. Từ 1956-1958 nhà thờ Khoái Đồng không có linh mục phụ trách.

Năm 1959, MTTQ Nam Định cử linh mục Đaminh Lâm Quang Học ở xứ Giáo Lạc - Nghĩa Hưng về coi sóc giáo xứ Khoái Đồng cho đến năm 1963 thì qua đời. Trong giai đoạn này, TGM Bùi Chu có thư mời nhờ linh mục Đinh Lưu Nhân thuộc nhà thờ Lớn Nam Định sang giúp mục vụ. Vì hoàn cảnh chiến tranh, nhà thờ Khoái Đồng không có linh mục về phục vụ nữa, giáo dân thì sơ tán, một số tài sản, bàn ghế, đồ lễ bị thất lạc, riêng chuông nhà thờ được đưa gởi tại nhà xứ Tứ Trùng, xã Hải Tân, huyện Hải Hậu, thành phố Nam Định.

Năm 1988, Uy Ban vận động những người công giáo, Tỉnh và Uỷ Ban Mặt Trận Thành Phố đứng ra tổ chức họp và cho xí nghiệp may 1-7 (nay là xí nghiệp may Sông Hồng) làm cơ sở sản xuất.

Hiện nhà thờ đã xuống cấp và hư hỏng nhiều.

Từ năm 1994 đến nay, TGM Bùi Chu và giáo dân xứ Khoái Đồng đã nhiều lần làm đơn gởi UBND Tỉnh, Thành Phố và các Cấp để xin lại nhà thờ Khoái Đồng.

Năm 1998, Đức cố Giám mục Giuse Maria Vũ Duy Nhất cũng gởi đơn đề nghị UBND Tỉnh và các ban ngành xin lại nhà thờ.

Năm 2002 Đức Giám Mục Giuse Hoàng Văn Tiệm cũng gởi đơn lên các cấp chính quyền Tỉnh và thành Phố xin lại nhà thờ để sửa chữa, mục đích cho giáo dân đến dự Lễ.

Mãi đến ngày 17 tháng 09 năm 2009, Tòa Giám Mục nhận được thông báo của UBND tỉnh Nam Định, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ Tướng Chính Phủ tại công văn số 465/VPCP-NC, ngày 09.05.2008 của văn phòng chính phủ về việc đồng ý giao nhà thờ Khoái Đồng kèm theo quyền sử dụng đất cho giáo Hội Công Giáo (Tòa Giám Mục Bùi Chu) để sử dụng vào mục đích tôn giáo theo chỉ đạo của Thủ Tướng Chính Phủ.

Ngày Hồng Ân đã đến, ngày 07.11.2009, TGM Bùi Chu và toàn thể cộng đoàn giáo hữu Khoái Đồng vui mừng nhận được tin trao trả nhà thờ và một phần đất của Công ty may Sông Hồng quản lý. Và tới hôm nay, phần còn lại, thành phố Nam Định vẫn chưa trao lại cho Tòa Giám Mục.

Vâng, đã hơn 50 năm gián đoạn, hôm nay đoàn chiên nhỏ bé Khoái Đồng quy tụ vui mừng cùng Mẹ Giáo Phận, tạ ơn Chúa, hân hoan vì Khoái Đồng đã hồi sinh và phấn khởi suy tôn Thánh Thể Chúa.

Nhà thờ đã tồn tại xuyên thế kỷ, trầm mặc và duyên dáng soi bóng bên bờ hồ Vị Xuyên êm đềm phẳng lặng. Hình ảnh này từ lâu đã đi sâu vào ký ức của biết bao thế hệ người Nam Định và trở thành một biểu tượng của Thành Nam. Đây có lẽ là nhà thờ có kiến trúc mái vòm sớm nhất tại Việt Nam. Tên gọi chính thức là Nhà thờ thánh Nicholas, là một trong 2 nhà thờ ở Việt Nam thờ thánh Nicholas (cùng với nhà thờ Con Gà - Đà Lạt). Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, hiện nay nhà thờ đã xuống cấp, tuy nhiên nó vẫn giữ được vẻ quyến rũ đến khó quên. Hiện nay, nhà thờ đang được các cha các thầy dòng Đaminh trùng tu. Trong thời gian sắp tới nhà thờ sẽ trở về nguyên trạng kiến trúc ban đầu.

Chúng ta hãy cùng dâng lời Tạ Ơn Chúa và Hãy cùng ngắm nhìn vẻ đẹp duyên dáng và quyến rũ của nhà thờ Khoái Đồng qua một số hình ảnh sau: