23/12/11

Làng nghề cơ khí Xuân Tiến

Năng động trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá

Bức tranh làng quê Xuân Tiến thanh bình đang được điểm tô bằng những thanh âm rộn rã, hối hả từ một trong những cụm công nghiệp lớn nhất của tỉnh Nam Định - cụm công nghiệp tập trung làng nghề cơ khí Xuân Tiến. Xuân
Tiến là một trong những vùng trọng điểm lúa và cũng là một trong những điển hình về chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện Xuân Trường trong những năm qua. Mặc dù hiện nay, nông nghiệp vẫn giữ một mảng màu sáng trong bức tranh tổng thể của xã, nhưng người Xuân Tiến từ hàng trăm năm nay đã hiểu rằng thu nhập từ nông nghiệp không thể giúp họ làm giàu. Với suy nghĩ đó, người làng Xuân Tiến đã phát triển nghề đúc đồng (sau này là nghề cơ khí) đến tận ngày nay.

Đi lên từ nghề đúc đồng truyền thống

Làng nghề Cơ khí Xuân Tiến khởi đầu từ nghề đúc đồng truyền thống. Trong tiềm thức của những cụ phụ lão trong làng, những sản phẩm đồng như nồi, mâm, chậu, chuông,... được làm từ đôi bàn tay tài hoa của người thợ Xuân Tiến đã có mặt trong nhiều gia đình Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Trải qua thời gian, cùng sự năng động, sáng tạo, khả năng thích ứng thị trường, làng nghề Xuân Tiến đã mở rộng sản xuất sang các mặt hàng cơ khí vừa và nhỏ. Khi chiếc đèn Hoa Kỳ rút dầu là phương tiện thắp sáng cho mọi nhà, từ Xuân Tiến, những sản phẩm này đã ra đời hàng loạt, được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Cùng với đó, những sản phẩm từ rèn như nhôm, sắt cũng có mặt trên thị trường. Không dừng lại ở đó, những người thợ làng nghề Xuân Tiến đã tiếp cận tới những sản phẩm đòi hỏi độ chính xác, tinh xảo cao như phụ tùng xe đạp, đèn măng sông, kèn đồng,...
Vào những năm 1960, khi địa phương chủ trương quy tụ lao động có tay nghề vào sản xuất tập thể, những người thợ làng nghề Xuân Tiến đã nhanh chóng tập hợp lại. Bằng bàn tay và tinh thần đoàn kết tập thể, hợp tác xã Xuân Thanh (năm 1965 đổi tên thành hợp tác xã Thống Nhất) đã ra đời, tồn tại và phát triển cho tới đầu những năm 1990. Đây có thể coi là thời kỳ phát triển thịnh vượng của làng nghề, người lao động làm nghề trong hợp tác xã lần đầu tiên được hưởng những chế độ như công nhân viên chức. Quan trọng hơn, những sản phẩm của họ đã đóng góp công sức cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và phục vụ đất nước những năm đầu đổi mới. Trong quãng thời gian đó, người thợ Xuân Tiến làm việc với tinh thần hăng say. Mọi người cùng nhau chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm làm nghề, cùng nhau bắt tay hợp tác sản xuất. Thời điểm hợp tác xã Xuân Thanh giải thể, gần như không ai dám chắc vào một tương lai tốt đẹp của làng nghề cơ khí Xuân Tiến.
Nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại, 200 lao động của hợp tác xã đã trở về gia đình, vừa sản xuất giữ nghề, vừa mạnh dạn tìm hướng đi cho riêng mình. Hơn 10 năm qua, làng nghề Xuân Tiến đã không ngừng mở rộng về quy mô, thị trường tiêu thụ, đa dạng về sản phẩm, khẳng định về chất lượng. Đến năm 2003, cả xã có hơn 300 hộ làm nghề thu hút trên 2.500 lao động, trong đó có 1 công ty cổ phần, 5 công ty trách nhiệm hữu hạn và 3 doanh nghiệp tư nhân.
Chính sự mạnh dạn, dám nghĩ dám làm của những người làm nghề tâm huyết đã giúp làng nghề cơ khí Xuân Tiến có những bước đi vững vàng như hôm nay. Nhớ lại những ngày đầu tiên tiếp cận với sản phẩm máy đập lúa liên hoàn, Ông Đinh Tân Việt - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty trách nhiệm hữu hạn cơ khí Nhật Việt, doanh nghiệp lớn nhất trong tỉnh với 4 xí nghiệp thành viên chuyên sản xuất các sản phẩm cơ khí phục vụ nông nghiệp - cho biết: "Đó là năm 1991, khi Nhà nước trang bị cho một số xã máy đập lúa liên hoàn được sản xuất trong miền Nam. Sản phẩm này bộc lộ nhiều nhược điểm như quá cồng kềnh, không phù hợp với chân ruộng nước ngoài Bắc, giá thành cao. Điều này đã hối thúc tôi và những người trong nghề tìm cách loại bỏ những nhược điểm trên và chúng tôi đã thành công".
Quả thật, với sản lượng bình quân 5 - 6 nghìn chiếc/năm, máy đập lúa liên hoàn đang là sản phẩm tiêu thụ mạnh nhất, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho doanh nghiệp Nhật Việt nói riêng, làng nghề Xuân Tiến nói chung. Hai năm gần đây, sản phẩm này đã có mặt tại thị trường Trung Quốc và được bạn hàng rất ưa chuộng. Sản phẩm đã được đăng ký chất lượng, thương hiệu và bản quyền. Không những thế, sản phẩm đã có mặt ở nhiều hội chợ lớn nhỏ và giành được những giải thưởng cao nhất. Bên cạnh sản phẩm máy đập lúa liên hoàn, hàng năm, hợp tác xã Xuân Tiến còn có 1.500 - 2.000 sản phẩm máy trộn đảo bê tông; hàng ngàn máy ép gạch; máy bóc lạc, tách ngô đã có mặt trên thị trường cả nước. Những sản phẩm đúc từ đồng, từ nhôm truyền thống vẫn được duy trì và phát triển, nhất là chuông đồng, kèn đồng, phụ tùng xe đạp, lưỡi cưa các loại,...

Những kết quả đáng ghi nhận

Trong khi ngành cơ khí của cả nước, kể cả những đơn vị có tiếng trong lĩnh vực cơ khí đang đứng trước những thách thức không nhỏ, thì sự tồn tại và phát triển không ngừng của một làng nghề cơ khí như Xuân Tiến quả là điều đáng trân trọng. Đóng góp của ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trong GDP toàn xã cũng không ngừng tăng lên. Năm 1998 mới chỉ là 56%, thì năm 2003 là 70%. Với mức thu nhập bình quân 500 - 700 nghìn đồng/người/tháng (năm 2003), người làm nghề đã thực sự sống được bằng nghề, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương. Nhờ đó, việc đảm bảo một mức sống toàn diện, xoá hết hộ nghèo chỉ còn là vấn đề nay mai của Xuân Tiến.
Xuất phát từ sản xuất làng nghề, vì thế tình trạng nơi sản xuất cũng là nơi ở đã phần nào hạn chế năng lực sản xuất và gây ô nhiễm môi trường. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng cụm công nghiệp nông thôn, tạo điều kiện mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, xã Xuân Tiến đã trở thành điểm sáng trong công tác quy hoạch và xây dựng cụm công nghiệp làng nghề của tỉnh Nam Định. Tính đến năm 2003, cụm công nghiệp Xuân Tiến là một trong những cụm công nghiệp có diện tích lớn, đẹp, quy hoạch hợp lý của tỉnh. Diện tích 15,6 ha của cụm hiện mới đáp ứng được 50% nhu cầu thực tế. Chính vì vậy, những dự án quy hoạch bổ sung nhằm mở rộng cụm công nghiệp Xuân Tiến đã và đang được triển khai nhanh chóng.
Quan điểm xuyên suốt quá trình chỉ đạo đường lối phát triển của xã Xuân Tiến trong nhiều năm qua là "Sản xuất nông nghiệp phải chuyển dịch mạnh hơn nữa, phải đảm bảo về an ninh lương thực. Muốn làm giàu phải phát triển kinh tế làng nghề. Bắt đầu từ việc duy trì, phát triển các mặt hàng truyền thống, không ngừng nâng cao về chất lượng, đồng thời tìm tòi, mở rộng các mặt hàng mới phù hợp với người tiêu dùng". Xã Xuân Tiến cũng đã có những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho nghề cơ khí phát triển. Hàng năm, xã đều tổ chức gặp gỡ các doanh nghiệp, các hộ sản xuất, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ để kịp thời có những chỉ đạo phù hợp hoặc có những đề nghị lên cấp cao hơn xem xét, giải quyết. Những hoạt động này đã tạo được dư luận tốt, giúp người làm nghề yên tâm gắn bó bản thân và gia đình vì sự phát triển của làng nghề.
Kinh tế phát triển đã tạo điều kiện nền tảng vững chắc để phát triển giáo dục, văn hoá, từng bước nâng cao đời sống vật chất, văn hoá tinh thần cho người dân. Tính đến cuối năm 2003, Xuân Tiến là xã đứng đầu huyện Xuân Trường về số máy điện thoại trên 100 dân, 100% người dân được dùng nước sạch, y tế đã đến được từng thôn,...
Một người thợ lâu năm, có tay nghề cao của làng nghề cơ khí Xuân Tiến tâm sự: "Đặc điểm của làng nghề cơ khí Xuân Tiến là có thể sản xuất một sản phẩm hoàn chỉnh từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng và có thương hiệu hẳn hoi". Điều gì đã giúp cho những người nông dân biết nghề, truyền nghề theo cách cha truyền con nối lại có thể làm được những sản phẩm cơ khí tinh xảo đến vậy? Phải chăng đó là nhờ khát vọng làm giàu, khát vọng vươn lên vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho gia đình và quê hương.

Theo: Quảng bá Nam Định

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

- Để tránh những hiểu nhầm không mong muốn, bạn vui lòng sử dụng Tiếng Việt có dấu khi viết nhận xét.
- Vui lòng không nhận xét Ẩn danh/Nạc danh, nên chọn Tên/URL để viết nhận xét (URL có thể bỏ trống).