31/1/12

Hịch Tiến Sỹ

Ta cùng các ngươi
Sinh ra phải thời bao cấp
Lớn lên gặp buổi thị trường.

Trông thấy:
Mỹ phóng Con thoi lên vũ trụ chín tầng
Nga lặn tàu ngầm xuống đại dương nghìn thước
Nhật đưa rô bốt na nô vào thám hiểm lòng người
Pháp dùng công nghệ gen chế ra cừu nhân tạo…

Thật khác nào:
Đem cổ tích biến thành hiện thực
Dùng đầu óc con người mà thay đổi thiên nhiên!
Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa
Chỉ giận chưa thể đuổi kịp nước Nga, vượt qua nước Mỹ, mà vẫn chỉ hơn Lào, hao hao Băng la đét.
Dẫu cho trăm thân này phơi trên sao Hỏa, nghìn xác này bọc trong tàu ngầm nguyên tử, ta cũng cam lòng.

Các ngươi ở cùng ta,
Học vị đã cao, học hàm không thấp
Ăn thì chọn cá nước, chim trời
Mặc thì lựa May Mười, Việt Tiến
Chức nhỏ thì ta… quy hoạch
Lương ít thì có lộc nhiều.
Đi bộ A tít, Cam ry
Hàng không Elai, Xi pic.

Vào hội thảo thì cùng nhau tranh luận
Lúc tiệc tùng thì cùng nhau “dô dô”.
Lại còn đãi sỹ chiêu hiền
Giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ, cử nhân, ai cũng có phần, không nhiều thì ít.
Lại còn chính sách khuyến khoa
Doanh nghiệp, giáo viên, trí thức, nông dân nhận cúp, nhận bằng còn thêm tiền thưởng.

Thật là so với:

Thời Tam quốc bên Tàu, Lưu Bị đãi Khổng Minh,
Buổi hiện đại bên Nga, Pu tin dùng Mét vê đép,
Ta nào có kém gì?

Thế mà, nay các ngươi:

Nhìn khoa học chậm tiến mà không biết lo
Thấy công nghệ thụt lùi mà không biết thẹn
Giáo sư ư? Biết “Thần đèn” chuyển nhà mà chẳng chạnh lòng
Tiến sỹ a? Nghe “Hai lúa” chế tạo máy bay sao không tự ái?
Có người lấy nhậu nhẹt làm vui
Có kẻ lấy bạc cờ làm thích
Ham mát xa giống nghiện “u ét đê”
Ghét ngoại ngữ như chán phòng thí nghiệm

Chỉ lo kiếm dự án để mánh mánh mung mung
Không thích chọn đề tài mà nghiên nghiên cứu cứu
Ra nước ngoài toàn muốn đi chơi
Vào hội thảo chỉ lo ngủ gật
Bệnh háo danh lây tựa vi rút com pu tơ
Dịch thành tích nhiễm như cúm gà H5N1
Mua bằng giả để tiến sỹ, tiến sy
Đạo văn người mà giáo sư, giáo sãi.

Thử hỏi học hành như rứa, bằng cấp như rứa, thì mần răng hiểu được chuyện na niếc na nô?
Lại còn nhân cách đến vậy, đạo đức đến vậy, thì có ham gì bút bút nghiên nghiên.

Cho nên:

“Tạp chí hay” mà bán chẳng ai mua
“Công nghệ tốt” mà không người áp dụng.
Đề tài đóng gáy cứng, chữ vàng, mọt kêu trong tủ sắt
Mô hình xây tường gạch, biển xanh, chó ị giữa đồng hoang.
Hội nhập chi, mà ngoại ngữ khi điếc, khi câm?
Toàn cầu chi, mà kiến thức khi mờ, khi tỏ?
Hiện đại hóa ư? vẫn bám đít con trâu
Công nghiệp hóa ư? toàn bán thô khoáng sản
Biển bạc ở đâu, để Vi na shin nổi nổi chìm chìm, lưởi bò liếm liếm
Rừng vàng ở đâu, khi bô xít đen đen đỏ đỏ

Thật là:

“Dân gần trăm triệu ai người lớn
Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con”!

Nay nước ta:

Đổi mới đã lâu, hội nhập đã sâu
Nội lực cũng nhiều, đầu tư cũng mạnh
Khu vực có hòa bình, nước ta càng ổn định
Nhân tâm giàu nhiệt huyết, pháp luật rộng hành lang
Thách thức không ít, nhưng cơ hội là vàng!

Chỉ e:

Bệnh háo danh không mua nổi trí khôn
Dịch thành tích chẳng làm nên thương hiệu.
Giỏi mánh mung không lừa nổi đối tác nước ngoài
Tài cờ bạc không địch nổi hắc cơ quốc tế.
Cặp chân dài mà nghiêng ngả giáo sư
Phong bì mỏng cũng đảo điên tiến sỹ.

Hỡi ôi,

Biển bạc rừng vàng, mà nghìn năm vẫn mang ách đói nghèo
Tài giỏi thông minh, mà vạn kiếp chưa thoát vòng lạc hậu.

Nay ta bảo thật các ngươi:

Nên lấy việc đặt mồi lửa dưới ngòi pháo làm nguy;
Nên lấy điều để nghìn cân treo sợi tóc làm sợ
Phải xem đói nghèo là nỗi nhục quốc gia
Phải lấy lạc hậu là nỗi đau thời đại
Mà lo học tập chuyên môn
Mà lo luyện rèn nhân cách
Xê mi na khách đến như mưa
Vào thư viện người đông như hội
Già mẫu mực phanh thây Gan ruột, Tôn Thất Tùng chẳng phải là to
Trẻ xông pha mổ thịt Bổ đề, Ngô Bảo Châu chỉ là chuyện nhỏ

Được thế thì:

Kiếm giải thưởng “Phiu” cũng chẳng khó gì
Đoạt Nô ben không là chuyện lạ
Không chỉ các ngươi mở mặt mở mày, lên Lơ xút, xuống Rôn roi
Mà dân ta cũng hưng sản, hưng tâm, vào Vi la, ra Rì sọt.
Chẳng những tông miếu ta được hương khói nghìn thu
Mà tổ tiên các ngươi cũng được bốn mùa thờ cúng,
Chẳng những thân ta kiếp này thỏa chí,
Mà đến các ngươi, trăm đời sau còn để tiếng thơm.
Chẳng những tên tuổi ta không hề mai một,
Mà thương hiệu các ngươi cũng sử sách lưu truyền.
Trí tuệ Việt Nam thành danh, thành tiếng
Đất nước Việt Nam hóa hổ, hóa rồng
Lúc bấy giờ các ngươi không muốn nhận huân chương, phỏng có được không?

Nay ta chọn lọc tinh hoa bốn biển năm châu hợp thành một tuyển, gọi là Chiến lược
Nếu các ngươi biết chuyên tập sách này theo lời ta dạy bảo thì suốt đời là nhà khoa học chính danh.
Nhược bằng không tu thân tích trí, trái lời ta khuyên răn thì muôn kiếp là phường phàm phu tục tử.

Vì:

Lạc hậu, đói nghèo với ta là kẻ thù không đội trời chung
Mà các ngươi cứ điềm nhiên không muốn trừ hung, không lo rửa nhục
Giữ một ngọn cỏ, cành cây, giọt nước trong giang sơn ta cũng làm ta quên ăn mất ngũ
Mà các ngươi cứ điềm nhiên lo tranh quyền đoạt lợi
Chẳng khác nào quay mũi giáo mà đầu hàng, giơ tay không mà thua giặc.
Nếu vậy rồi đây không biết dân Việt ta đi về đâu nữa, ta cùng các ngươi há còn mặt mũi nào đứng trong trời đất này nữa?

Trí thức là nguyên khí quốc gia
Cho nên ta mới thảo Hịch này
Xa gần nghiên cứu
Trên dưới đều theo!
ChauNêZin1/30/2012

Ngày 31/1: Thánh Gioan Don Bosco, Linh mục

Ngày 16 tháng 8 năm 1815, Gioan chào đời trong một túp lều tranh thuộc tỉnh Turinô. Cha ngài qua đời lúc ngài được hai tuổi. Mẹ ngài là bà Magarita một mình nuôi nấng ba người con trai. Bà tập cho con quen với công việc nặng nhọc, với đời cầu nguyện. Bà thường lập lại với các con bà:

- Chúa thấy hết, Chúa thấy hết.

Và con cái bà biết rằng chính nhờ tình yêu mà người ta làm đẹp lòng Chúa, Gioan sau này đã nói:

- Nếu tôi trở thành Linh mục đó là nhờ mẹ tôi.

Cậu bé đã tỏ ra có ơn gọi làm tông đồ. Ngoài đồng cỏ, ngài đã đổi phần bánh ngon miệng của mình lấy mẩu bánh đen của một mục đồng nghèo. Mẹ ngài trách cứ ngài vì đã làm bạn với những người xấu.

Gioan đáp lại:

- Khi con chơi với chúng nó, chúng nó bớt khùng hơn.

Vì tình yêu Chúa, cậu bé tưởng tượng ra mình là một thằng múa rối. Ngày Chúa nhật bọn trẻ xếp vòng tán thưởng nhà nhào lộn và leo dây đại tài, cha mẹ chúng cũng tới nữa, những lúc đổi trò, mọi người phải lần chuỗi. Nhà nhào lộn trở thành nhà giảng thuyết, lặp lại bài giảng của cha sở.

Một linh mục già cho Gioan cuốn sách văn phạm Latinh và dạy Gioan học. Một trong các anh ghen tỵ. Gioan ôm sách đi tìm việc làm trong một nông trại. Hai năm sau trở về nhà, Gioan phải chân không cuốc bộ hai mươi cây số để tới trường học mỗi ngày.

Ngài thành lập một hội vui để lôi kéo bạn bè vào đường thiện hảo, lành mạnh.

Gioan được thụ phong Linh mục. Theo phong tục Italia, người ta gọi ngài là Don Boscô. Mẹ ngài đã nhắn nhủ:

- Đừng lo nghĩ tới mẹ nữa mà chỉ cầu nguyện cho mẹ thôi. Lo lắng duy nhất của con là phần rỗi các linh hồn.

Ngài theo học ở Turinô, viếng thăm các tù nhân và đã kinh ngạc khi thấy bao nhiêu thanh thiếu niên ở đó, thấy trong các đường phố những đứa trẻ này bị bỏ mặc cho sự cùng khổ và tật xấu của chúng. Khắp nơi người ta đều xua đuổi chúng, và người ta lại không cho rằng Don Boscô điên rồi sao? Ngài thuê một căn nhà trong khu phố nghèo đói nhất và phải trả tiền nửa tháng một lần, để nuôi dạy chúng. Mẹ ngài lo lắng:

- Con không có lấy một xu.

Thánh nhân trả lời:

- Nếu mẹ có tiền lại chẳng cho con sao? Mẹ có tin là Chúa quan phòng giàu có vô cùng lại không tốt bằng mẹ sao?

Ngài tập họp những trẻ xấu nết lại và dọn cho chúng rước lễ vỡ lòng, khu vực đốn mạt sắp trở thành nơi có tinh thần Kitô giáo nhất thành phố. Ngài không hề mất tin tưởng. Không có gì làm ngài nản chí được. Ngài dẫn về cho mẹ mình những đứa vô lại chiêu tập trong một hàng quán. Đêm về những đứa vô lại này biến mất, mang theo cả chăn nệm.

Trẻ nội trú ngày càng đông. Một ngày sống bắt đầu với thánh lễ, sau đó là đi học hay tập nghề. Các nhà sắp được xây dựng khắp nơi, cả đến Mỹ Châu. Đối với các trẻ em nam, Gioan đã thiết lập một dòng gồm các linh mục mang danh là Salésien, để kính thánh Phanxicô Salê mà ngài đã lấy châm ngôn của thánh nhân làm của mình.

- Lạy Chúa xin ban cho con các linh hồn vì phần còn lại có đáng giá gì cho con đâu?

Và thánh nhân khuyên nhủ hãy làm điều đó:

- Trong vui tươi hoan hỉ không ngừng.

Cùng với chị Maria Mazzarello (người sẽ nên thánh sau này), ngài cũng thiết lập một dòng tu mang danh hiệu các nữ tu Đức Mẹ phù trợ. Công cuộc các chị cũng sẽ lan rộng trên khắp thế giới. Mệnh lệnh của ngài là:

- Hãy tin tưởng cầu nguyện và can đảm tiến tới không ngừng.

Don Boscô đi thực hiện các công trình tại Pháp. Các sự lạ xảy ra vô số trên đường ngài đi qua. Ở Marseille ngài gặp một đứa trẻ bệnh hoạn, ngài bảo nó đọc một kinh Kính Mừng và chữa lành cho nó. Cả đứa trẻ lẫn mẹ nó khóc nức nở vì biết ơn. Dọc đường xe ngài bị vây chặt đến độ người đánh xe đã phải kêu lên:

- Kéo theo một con quỉ, còn hơn chở một vị thánh.

Ở Paris ngài được tiếp đón tưng bừng. Đức Hồng y xin ngài chúc lành. Thi sĩ Victor Hugô hai lần muốn gặp ngài. Người ta ngạc nhiên khi thấy ngài rất đơn sơ vui vẻ và hiền hậu. Ngài giảng dạy nhiều. Các viện mồ côi, trường huấn nghệ, hội bảo trợ mọc lên khắp nước Pháp. Người ta nói ngài dừng lại một chút, ngài trả lời rằng: lên thiên đàng ta sẽ ngừng. Don Boscô muốn đưa cả thế giới về với Chúa Kitô. Các giấc mơ cho ngài biết rằng: ước muốn của ngài sẽ được thực hiện.

Trong một giấc mơ ngài thấy những người hoang dại quỳ gối trước mặt các tu sĩ Salésien. Suốt đời ngài không dứt các giấc mơ, các lời tiên đoán và các thị kiến.

Gioan phải trả cho định mệnh siêu nhiên của ngài bằng những dằn vặt mà chỉ mình ngài biết được. Một vị Hồng y đã phải lo lắng thấy mặt ngài xanh mét kiệt sức.

Bọn ác nhân giận dữ vì việc lành ngài đã làm, đã tìm cách sát hại ngài. Nhưng sức mạnh của sự dữ không nghĩa lý gì. Vượt qua mọi trở ngại tưởng như không thể lướt thắng nổi, Don Boscô còn hoạt động nhiều hơn nữa. Y sĩ tuyên bố rằng: phép lạ lớn lao nhất là Don Boscô còn sống được.

Cuối cùng Gioan cảm thấy rằng: thân xác ngài không còn chiến đấu nổi nữa. Ngài sắp qua đời. Ngài nói với các Linh mục của mình khi họ tới thăm:

- Hãy nói với các con cái của tôi rằng: tôi đợi chúng tất cả trên thiên đàng.

Ngài còn nói như lời dặn dò thân thiết nhất:

- Hãy cổ võ việc siêng năng rước lễ và lòng tôn sùng Đức Trinh Nữ.

Người ta còn nghe thấy Ngài nói trong cơn mê sảng:

- Mẹ, Mẹ ơi, ngày mai... Mẹ hãy mở cửa thiên đàng cho con.

Thánh Don Boscô qua đời, đoàn con cái xếp hàng hôn bàn tay đã tận tình cứu giúp họ, ngày 30 tháng giêng năm 1888.

Xin Chúa nhận lời Thánh Gioan Boscô chuyển cầu mà ban cho chúng con lòng yêu mến chân thành, hết tâm phụng thờ Chúa và chăm lo phần rỗi các linh hồn.

Sưu tập từ Internet

Hương Xuân Vị Tết


Ngày ba mươi Tết

Rộn rã nhịp Xuân

Người người nô nức

Tiếng nhạc vang ngân

Con cháu hớn hở

Khúc khích tiếng cười

Ông Bà, Cha Mẹ

Hạnh phúc rạng ngời

Cây mai đầu ngõ

Tươi sắc vàng ươm

Mùa Xuân rất lạ

Đầy ắp yêu thương

Tiếng chim ríu rít

Hòa khúc nhạc Xuân

Hương vị ngày Tết

Kỳ diệu vô ngần

Chào Xuân trần thế

Lòng hướng lên cao

Thành tâm Của Lễ

Dâng Chúa tình yêu

Tác giả: VIỄN ĐÔNG

17/1/12

Chùm thơ Xuân - Jos Thiên Ân


XUÂN CẢM TẠ

Cảm tạ Chúa Ba Ngôi

Đã dựng nên đất trời

Cho bốn mùa thay đổi

Chúa ban tặng mùa xuân

Một sức sống tràn trề.

Nay chúng con cùng về

Quây quần bên cha xứ (bố)

Hân hoan hát bài ca

Kính chúc cha mạnh khỏe

Tươi trẻ như mùa xuân,

Xin Chúa ban muôn phần

Ân lộc Chúa thấm nhuần

Nơi cha xứ (bố) kính yêu

Để sớm sớm chiều chiều

Cha dạy bảo mọi điều

Cho đoàn con thơ dại.

CHÚC XUÂN

Đất nước yên vui cảnh thái hoà

Bốn phương bừng dậy khúc hoan ca

Đào mai tươi thắm nở đậm đà

Đoàn con giới trẻ giáo xứ nhà

Quy tụ về đây kính chúc cha

Chúc Cha xuân mới tình mặn mà

Ơn lành Chúa xuống ngự nơi Cha

Phúc lộc, khang an với tuổi già (mãi đậm đà).

Chúc Cha xuân mới luôn tươi trẻ

Thêm tuổi, thêm vui, thêm mạnh khoẻ

Để cha chỉ dạy cho giới trẻ

Thực thi Lời Chúa, yêu cha mẹ

Xứng đáng với tên đoàn giới trẻ

Giáo xứ Kiên Lao biết vâng nghe.

Kính chúc ông bà Ban Hành Giáo

Gia đình hạnh phúc đẹp xiết bao

Biết dùng thời giờ Chúa đã trao

Cộng tác với Cha xây xứ đạo

Người người luôn hướng về trời cao.

Chúc các bạn trẻ luôn tươi mới

Trẻ đẹp hồn nhiên và yêu đời

Cộng tác với nhau xây Nước Trời

Đem nguồn hạnh phúc đến mọi nơi.

HƯƠNG XUÂN

Thoảng thơm hương bưởi trên cành

Đào mai nở thắm, lộc xanh thêm nồng

Từng đàn chim én lượn trông

Đón chào xuân tới mênh mông đất trời

Xuân về trên khắp mọi nơi

Thiếu nhi, giới trẻ vui chơi xuân hồng

Xuân về khép lại rét đông

Làm cho muôn vật ấm nồng tình xuân

Nay đoàn con lại quây quần

Bên người Cha xứ (Cha Bố) muôn phần kính yêu

Chúc Cha có đủ mọi điều

Phần hồn, phần xác thêm nhiều ơn thiêng

Vui tươi, mạnh khoẻ, bình yên

Hăng say rao giảng khắp miền quê hương

Làm cho nhân loại biết đường

Dựng xây hạnh phúc, can trường đức tin

Tìm về với Đấng đã in

Vào trong vũ trụ muôn nghìn xuân tươi

Chính là Đấng ngự trên trời

Ban cho trời đất tiết thời mùa xuân.

XUÂN SANG

Lao xao chim én lượn

Lơ lửng áng mây trôi

Mai đào đua khoe sắc

Chào đón Chúa xuân sang.

Trời đang dần mở rộng

Khép lại mùa đông tàn

Cây vươn mình lớn dậy

Vẫy chào Chúa xuân tới.

Em rộn ràng áo mới

Cũng đi đón Chúa xuân

Đem về cùng quây quần

Bên người thân, người thân

Xây nên tình yêu mến

Ấm tình xuân, tình người

Làm cho đời vui vẻ

Tươi trẻ như mùa xuân.

XUÂN NGUYỆN CẦU

Mùa xuân nay đã về rồi

Đoàn con nay lại được ngồi ngắm xuân

Cùng nhau xum họp, quây quần

Bên bàn thờ Chúa ân cần tạ ơn

Năm qua con có dỗi hờn

Nhưng tình yêu Chúa lớn hơn con nhiều

Thân con có lúc ngả siêu

Chạy theo lợi lộc, hướng chiều xác thân

Con ngồi con nghĩ phân vân

Nên chăng đứng dậy hay lần lữa đây

Thế rồi như có sợi dây

Lôi con đứng dậy dựng xây cuộc đời

Hôm nay con đến nói lời

Tạ ơn Thiên Chúa muôn đời yêu thương

Cho con hưởng nếm tận tường

Tình yêu Thiên Chúa dẫn đường con đi

Ngài không còn tiếc điều chi

Ban cho trời đất tiết thì mùa xuân

Nguyện xin Chúa cả từ nhân

Cho con mãi mãi hưởng ân lộc Ngài

Luôn luôn được Chúa an bài

Cho con thoát khỏi bẫy gài thế gian.

Jos. Thiên Ân

Tết đến nói chuyện về Tết Nguyên Đán

XuanBước sang năm mới Dương lịch thì tâm hồn của những người con dân Đất Việt dù ở bắt cứ nơi đâu cũng bắt đầu nôn nao, nô nức, rộn ràng đón mừng dịp lễ hội lớn nhất trong năm: Tết Nguyên Đán (hay còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền, hay chỉ đơn giản là Tết).

1. Từ ngữ

"Tết" là chữ Nôm, được mượn từ chữ "Tiết" (節) của Hán Việt mà đọc trại thành "Tết". Còn "Nguyên Đán" (元旦) là hai chữ Hán Việt. "Nguyên" (元) có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai; còn "Đán" (旦) có nghĩa là buổi sáng sớm. Nếu đọc đúng theo ngữ pháp Hán Việt thì phải đọc là "Nguyên Đán Tiết" (元旦節). Tết Nguyên Đán được người Trung Quốc ngày nay gọi là "Xuân tiết" (春節), "Tân niên" (新年) hoặc "Nông lịch Tân niên" (農曆新年).

2. Nguồn gốc

Theo lịch sử Trung Quốc, nguồn gốc Tết Nguyên Đán có từ đời Tam Hoàng Ngũ Đế và thay đổi theo từng thời kỳ. Đời Tam đại, nhà Hạ chuộng màu đen nên chọn tháng giêng, tức tháng Dần. Nhà Thương thích màu trắng nên lấy tháng Sửu, tức tháng chạp, làm tháng đầu năm. Nhà Chu ưa sắc đỏ nên chọn tháng Tý, tức tháng mười một, làm tháng Tết. Các vua chúa nói trên quan niệm về ngày giờ "tạo thiên lập địa" như sau: giờ Tý thì có trời, giờ Sửu thì có đất, giờ Dần sinh loài người nên đặt ra ngày Tết khác nhau.

Đến đời Đông Chu, Khổng Tử đổi ngày Tết vào một tháng nhất định là tháng Dần. Đời nhà Tần (thế kỷ 3 TCN), Tần Thủy Hoàng lại đổi qua tháng Hợi, tức tháng mười. Đến thời nhà Hán, Hán Vũ Đế (140 TCN) lại đặt ngày Tết vào tháng Dần, tức tháng giêng. Từ đó về sau, không còn triều đại nào thay đổi về tháng Tết nữa. Vì chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc (nằm trong thế giới Hán hóa) nên Việt Nam cũng có Tết Nguyên Đán vào tháng giêng. Hiện nay dân chúng chỉ ăn tết vài ngày đầu tháng giêng (ba ngày Tết, bảy ngày Xuân).

3. Tên gọi

Khi chưa có sự du nhập của văn hóa Tây phương thì Việt Nam theo cách tính lịch của Trung Quốc, ta hay gọi là Âm lịch (tính theo chu kì mặt trăng). Tên gọi của năm Âm lịch không gọi theo số như Dương lịch (tính theo chu kì mặt trời) mà dùng tên ghép gồm hai chữ. Chữ đầu là một trong 10 thiên can (Giáp, Ất, Bính, Ðinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý). Chữ thứ nhì là một trong 12 địa chi (Tý, Sửu, Dần, Mão hay Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi). Mười hai địa chi là tên 12 con vật. Vì bội số chung của 10 (thiên can) và 12 (địa chi) là 60, nên cứ 60 năm thì hết một chu trình kết hợp giữa các thiên can và địa chi. Cho nên, cứ 60 năm thì tên gọi các năm lặp lại như cũ.

Theo chu trình thì năm nay là sự kết hợp thứ 29 giữa thiên can Nhâm (壬 : thủy dương) và địa chi Thìn (辰 : con rồng). Bởi thế, Âm lịch năm nay được gọi là năm Nhâm Thìn (壬辰).

4. Đón tết

Vì có một lịch sử lâu đời, và do sự ảnh hưởng của nhiều luồng văn hóa khác nhau, nên hình thức đón tết của người Việt thật đa dạng và phong phú. Tùy theo hoàn cảnh và nhận thức có khác nhau nên mỗi địa phương hay mỗi Nhóm người có những nét chung và những nét đặc trưng riêng biệt để đón tết.

Ví dụ: Mọi nhà đều sửa sang, quét dọn, trang trí Bàn thờ, sắm sửa đồ dùng, ăn mặc quần áo mới .... Tuy nhiên, ngoài Bắc thì chưng hoa đào, còn trong Nam thì chưng hoa mai; người Công Giáo không đưa ông Táo về Trời hay xin xăm đầu năm, nhưng có Lễ Giao thừa, Lễ mồng một – cầu bình an cho năm mới, Lễ mồng hai – kính nhớ Tổ tiên và Ông bà Cha mẹ, Lễ mồng ba – thánh hóa công ăn việc làm, có bốc lộc Lời Chúa đầu năm ...

Ngoài những thích nghi với văn hoá dân tộc của Phụng vụ nói chung, hiện nay một số nhà thờ vào dịp tết cũng có treo câu đối, hoành phi, hay chỉ trang trí theo hình thức câu đối, hoành phi ở gian cung thánh. Câu đối được xem là tinh hoa của văn hóa chữ Hán, người Trung Quốc quan niệm: "nếu thơ văn là tinh hoa của chữ nghĩa thì câu đối là tinh hoa của tinh hoa". Bởi thế, câu đối thể hiện được sự tinh tế cao sâu về nội dung và sự cao sang, trang trọng về hình thức cũng như diễn tả cốt cách, phong thái và tâm hồn của người viết. Nếu sử dụng một câu đối cao sâu về tư tưởng và bài trí thích hợp thì tạo ấn tượng khó quên và dễ đi vào lòng người. Do đó, việc thích nghi dùng câu đối trong trang trí phụng vụ, nơi trang nghiêm và thánh thiêng vào dịp Tết dân tộc âu cũng là việc nên làm.

Vì nhiều lý do mà nét văn hoá viết và bài trí câu đối dường như đã mai một theo thời gian. Hiện nay, để viết, cảm nhận và trang trí câu đối cho đúng gặp rất nhiều khó khăn. Xin được trình bày đôi nét về câu đối.

5. Câu đối

Câu đối thuộc thể loại văn biền ngẫu, gồm hai vế đối nhau nhằm biểu thị lý tưởng, ý chí, quan điểm, tình cảm của người viết trong một bối cảnh, biến cố, môi trường sống. Nên lưu ý là từ đối (對) ở đây có nghĩa là ngang nhau, hợp nhau thành một đôi. Câu đối là một trong những thể loại của Văn học Trung Quốc và Việt Nam.

Câu đối có nguồn gốc từ người Trung Quốc. Người Trung Quốc gọi câu đối là "đối liên" (對聯). "liên" (聯) có khi đọc là liễn, có nghĩa là câu đối. Tên gọi xưa của câu đối là "đào phù" (桃符).

Cách viết: Khi viết câu đối, nếu chọn được câu chữ tuân theo nguyên tắc sau thì đôi câu đối được gọi là chỉnh đối hay đối cân.

 Đối ý: hai ý đối phải cân nhau mà đặt thành 1 cặp sóng đôi.

 Đối chữ: phải xét 2 phương diện thanh âm và từ loại:

+ Về thanh âm: thanh bằng đối với thanh trắc và ngược lại.

+ Về từ loại: thực tự (tự là chữ) phải đối với thực tự; hư tự phải đối với hư tự; danh từ phải đối với danh từ, động từ phải đối với động từ ... Nếu vế đối này có dùng chữ Hán Việt thì vế kia cũng phải dùng chữ Hán Việt ...

 Đối vế: Một câu đối gồm hai vế sóng đôi. Nếu câu đối do một người sáng tác gọi là vế trên và vế dưới. Nếu một người nghĩ ra một vế để người khác làm vế kia đối lại thì gọi là vế đề và vế đối.

Số chữ trong câu đối không nhất định là bao nhiêu chữ. Theo số chữ và cách đặt câu có thể chia câu đối ra làm các thể sau: câu tiểu đối (là những câu 4 chữ trở xuống), câu đối thơ (là những câu làm theo lối đặt câu của thể thơ ngũ ngôn hoặc thất ngôn), câu đối phú (là những câu làm theo các lối đặt câu của thể phú, gồm có: song quan, cách cú, gối hạc hay hạc tất).

Cách treo: Khi một câu đối do một người làm ra cả hai vế, thì chữ cuối cùng của vế trên (khi treo là câu bên trái của người đọc) là thanh trắc; còn chữ cuối cùng của vế dưới (khi treo là câu bên phải của người đọc) là thanh bằng.

Ví dụ: Tân Xuân Thánh Thiện (vế trên, treo bên trái của người đọc – thanh trắc)

Năm Mới Phát Tài (vế dưới, treo bên phải của người đọc – thanh bằng)

Lưu ý: Nếu là câu đối hoàn toàn chữ Hán thì vế trên (vế đề - chữ cuối thanh trắc) phải treo bên phải của người đọc (vì người Trung Quốc ngày xưa viết từ phải qua).

Xin được trích dẫn một số câu đối được sử dụng vào dịp Tết trong tuyển tập "Câu Đối" của Trần Quang Chu:

1. Tết Bình An Vạn Sự Như Ý

Xuân Thánh Thiện Ơn Chúa Thỏa Lòng

2. Năm Cũ Bước Qua Bao La Ân Sủng Chúa

Năm Mới Bước Lại Rộng Rãi Nghĩa Tình Người

3. Xuân Thánh Thiện Chúa Thương Gia Đình Thuận Thảo

Tết Đạo Đức Mẹ Giúp Giáo Xứ Thịnh Cường

4. Xuân Lại Đến Nhớ Mùa Xuân Trên Thiên Quốc

Tết Lại Về Mơ Tết Nhứt Trên Nước Chúa Hiển Vinh

5. Vui Tết Đến Ơn Chúa Phát Tài Phát Lộc

Mừng Xuân Sang Lộc Thánh Gặp Phước Gặp Lành

6. Mừng Xuân Vạn Sự Như Ý Chúa

Vui Tết Mọi Bề Đẹp Ý Cha

7. Xuân Về Thêm Tuổi Thêm Nhân Đức

Tết Đến Thêm Phúc Thêm Khôn Ngoan

8. Một Năm Qua Chúa Thứ Tha Bao Lỗi Lầm Thiếu Sót

Một Năm Mới Con Cám Đội Bao Hồng Ân

Cuối cùng xin kính gửi mọi người lời kính chúc qua câu đối:

Tân Niên Đến Chúa Ban Bình An Cho Nhân Loại

Nhâm Thìn Về Mẹ Giữ Hạnh Phúc Với Đàn Con

Thomas Nguyễn Văn Hiệp

14/1/12

Mùa Xuân


Mùa Xuân phơi phới

Mùa Xuân rạng ngời

Lãng du năm mới

Tứ thơ tuyệt vời

Tình Xuân lai láng

Tình Xuân nồng nàn

Tình Xuân thơ mộng

Mơ ước đầy tràn

Mùa Xuân duyên dáng

Từng ngón nhẹ nhàng

Tà Xuân tha thướt

Ngơ ngẩn thời gian

Lời Xuân yêu dấu

Rót mật ngọt ngào

Niềm Xuân nô nức

Dệt khúc Xuân yêu

Ngày Xuân xanh biếc

Hoa lá đua chen

Lòng Xuân tha thiết

Môi Xuân cười hiền

Đàn chim tung cánh

Bay vút trời xanh

Líu lo tiếng hót

Đón chào mùa Xuân

Nàng Xuân bẽn lẽn

Duyên dáng bên hiên

Buông dòng tóc mượt

Thon bờ vai tiên

Mùa Xuân vừa đến

Cánh gió ru êm

Người người thương mến

Chân thành chúc Xuân

Tác giả: TRẦM THIÊN THU

Xin cho con...

Tác dụng của quả Cam

Cam là một trong những loại trái cây có chứa tinh dầu mang mùi thơm và chứa nhiều vitamin C, rất mát và bổ dưỡng cho cơ thể.

Theo các nhà khoa học Anh: “Bình quân trong một trái cam, có chứa khoảng 170 mg phytochemicals bao gồm các chất dưỡng da và chống lão hóa”.

Bên cạnh đó, cam có chất Limonoid hoạt động một cách đặc biệt trong việc ngăn ngừa bệnh ung thư và có tác dụng giải độc, lợi tiểu. Những người thường ăn cam, quýt có tỉ lệ nhiễm các bệnh ung thư như: ung thư phổi và dạ dày… khá thấp. Tuy nhiên những người hay bị rối loạn tiêu hóa, không nên ăn nhiều cam.

Ngoài vitamin C, có tác dụng gia tăng đề kháng và tăng tính hấp thu chất sắt, thực vật… Nước cam còn chứa nhiều canxi hơn là các sản phẩm từ sữa.

Đặc biệt, chất canxi còn tập trung nhiều hơn trong các vỏ cam. Không những thế, vỏ cam còn có tác dụng chữa bệnh ho có đàm và giã rượu rất hiệu quả.

Khi pha nước cam, phần lớn canxi sẽ tiết ra trong nước cam. Để tận dụng được tối đa lượng canxi có trong vỏ cam, bạn nên ăn thêm vỏ cam cùng với nước cam hoặc cam cắt miếng.

Một ly nước cam 200ml có chứa 20% lượng canxi và 100% lượng vitamin. Vì thế bạn nên dùng nước cam hàng ngày, nhất là một ly cam vắt tươi vào mỗi buổi sáng, hay dùng làm món tráng miệng cũng rất tốt. Đây không chỉ là cách tốt nhất giúp bạn giải khát và giúp bạn làm việc tốt hơn, mà còn là một giải pháp tối ưu cho những người béo, đặc biệt những người không có thói quen uống sữa.

Khi pha nước cam, bạn nên vắt trực tiếp, chứ không nên vắt qua máy vắt cam để có thể lấy được cả tép cam và bạn cũng có thể cho thêm một ít vỏ cam vào trong ly nước cam.

Công dụng kỳ diệu của quả cam

Không chỉ bổ dưỡng, cam còn có nhiều công dụng kỳ diệu khác nếu biết sử dụng nó đúng cách và đúng mục đích.

1. Tăng cường thể lực: Nước cam pha muối

Uống nước cam bỏ thêm chút muối sau khi luyện tập ra nhiều mồ hôi, là cách để lấy lại thể lực nhanh chóng. Bởi lượng đường fructoza và 85% lượng nước có trong cam sẽ nhanh chóng được cơ thể hấp thụ, có tác dụng giải khát và bồi bổ thể lực.

Lưu ý: Ngay sau khi ép lấy nước hoặc đã gọt vỏ, nên uống hoặc ăn ngay, tránh lượng vitamin C sẽ bị bay mất khi phản ứng với oxy ngoài môi trường. Thời gian sau chế biến không nên quá 30 phút.

2. Tẩy trang, làm sạch da: Nước cam ép

Cách làm: Dùng khăn sạch thấm và thoa trực tiếp nước ép cam lên mặt khoảng 5-10 phút, sau đó rửa lại bằng nước sạch.

Công dụng: Cách làm này vừa có tác dụng tẩy trang hiệu quả, vừa “đánh bật” lượng dầu, vi khuẩn, vết bẩn trên da, làm sạch da từ bên ngoài và bên trong. Ngay cả đối với da mẫn cảm, dùng cam làm mặt nạ để tẩy trang và làm sạch mặt, vẫn có thể an tâm.

Lưu ý: Ngay sau khi thoa nước ép lên mặt, không nên đi ra nắng, tránh phản ứng với các tia tử ngoại làm mất tác dụng.

3. Làm săn chắc da mặt: Mặt nạ từ hạt (hột) cam

Cách làm: Hạt cam phơi khô rồi xay thành bột mịn. Hòa tan hỗn hợp gồm bột đã xay nhuyễn và nước cất (hoặc nước tinh khiết), sau đó đắp hỗn hợp này lên mặt khoảng 5-10 phút. Rửa lại mặt bằng nước sạch. Mỗi tuần đắp mặt nạ 1-2 lần.

Công dụng: Nâng cao sức đề kháng cho các mao mạch trên da, giúp da thêm săn chắc, khỏe mạnh.

Lưu ý: Đối với làn da nhạy cảm, nên thử bôi hỗn hợp trên vùng tai trước khi bôi lên mặt để quan sát phản ứng. Nếu thấy bị dị ứng hoặc ngứa ngáy, không nên sử dụng.

4. Trị bệnh phong thấp: Bột hạt cam

Cách làm: Cho hạt cam vào nồi rang khô. Tránh rang ở nhiệt độ quá cao gây cháy đen hạt, rồi xay nhuyễn thành bột. Hòa vào nước lọc, mỗi lần từ 3-5g, uống sau bữa ăn. Kiên trì sử dụng lâu dài, có tác dụng trị phong thấp hiệu quả.

5. Tăng cường hệ miễn dịch: Sa-lát cam

Khi làm sa-lát, cho thêm một vài múi cam, sẽ có tác dụng bổ sung chất dinh dưỡng, tăng cường hệ miễn dịch, giúp người bệnh nhanh phục hồi sức khỏe, nhanh lành vết thương. Đặc biệt là bổ sung chất xơ, có lợi cho tiêu hóa.

Lưu ý: Những người hút thuốc, nên ăn nhiều cam; những bệnh nhân mắc viêm ruột, viêm túi mật, nên thận trọng khi ăn cam.

6. Tẩy da chết, tăng độ láng mịn cho da: Mát-xa bằng vỏ cam

Cách làm: Cắt vỏ cam thành những miếng mỏng, nhỏ. Sau đó cho vào tấm vải mỏng, lăn đều trên tay, đầu gối, những vùng da sần sùi, thiếu độ láng mịn.

Công dụng: Tinh dầu trong vỏ cam làm da thêm mềm mại. Những vùng da sần sùi “vỏ quýt” sẽ nhanh chóng được cải thiện, lấy lại độ căng bóng do da hấp thụ được lượng tinh dầu trong vỏ cam.

Vỏ cam chứa nhiều flavonoid và vitamin C, những chất này sẽ kích thích quá trình trao đổi chất trên da, nâng cao sức đề kháng cho các nang lông, có tác dụng tẩy da chết hiệu quả.

7. Giúp ngủ ngon giấc, đuổi muỗi: Hương thơm vỏ cam tươi

Cách làm: Vỏ cam phơi khô, sau đó cho vào túi thơm, treo trong phòng ngủ, nhà bếp hoặc tủ quần áo.

Công dụng: Cách làm này không những kích thích ngủ ngon giấc, mà còn có tác dụng đuổi muỗi, làm sạch không khí.

8. Ăn cam nên bóc vỏ..ăn từ từ...đừng ăn ngấu nghiến, coi chừng nuốt phải vài ba hột ......thì sẽ bị ..ngọng...ú ..ớ...

(trích CCTV)- internet

Lạy Chúa! Chúng con không hiểu...



11/1/12

Ba Lan dựng tượng Chúa lớn nhất thế giới

Một thị trấn nhỏ ở phía tây Ba Lan vào ngày 6 tháng 11 năm 2010 đã hoàn tất việc dựng một bức tượng Chúa được cho là lớn nhất thế giới (tính đến thời điểm đó).

Bức tượng Chúa Giêsu tọa lạc tại thị trấn Swiebodzin, miền tây Ba Lan.

Bức tượng Chúa Giêsu sừng sững với 2 cánh tay dang rộng và mũ miện vàng đã được dựng lên tại thị trấn nhỏ Swiebodzin, kết thúc quá trình thi công kéo dài suốt 5 năm.

Các phần cuối cùng bao gồm phần thân, cánh tay và đầu cùng mũ miện đã được lắp đặt vào bức tượng Chúa hôm 6/11. Công việc này ban đầu dự kiến hoàn thành hôm 5/11 nhưng bị hoãn lại vì gió mạnh.

Trước đó 2 tuần, một nỗ lực tương tự đã thất bại vì chiếc cần trục nặng 400 tấn không nâng nổi phần đầu và cánh tay của bức tượng vào đúng vị trí. Thay vào đó, người ta đã phải điều tới công trình chiếc cần trục nặng 700 tấn.

Thị trấn Swiebodzin, nằm gần biên giới với Đức, hi vọng bức tượng khổng lồ sẽ thu hút khách du lịch và trở nên nổi tiếng giống tượng Chúa cứu thế khổng lồ vốn trở thành biểu tượng của thành phố Rio de Janeiro, Brazil

Tượng Chúa Giêsu tại Ba Lan cao 33m. Nhưng tính cả phần bệ cao 16m và vương miện cao 2m, chiều cao tổng thể của toàn bộ công trình là 51m. Tượng nặng khoảng 440 tấn.

Thị trưởng thị trấn Swiebodzin, ông Dariusz Bekisz, khẳng định đây là bức tượng Chúa lớn nhất thế giới.

Tượng Chúa Giêsu ở Swiebodzin được cho là không chỉ “vượt mặt” tượng Chúa cứu thế, cao tổng cộng 39,6m tính cả đế, mà còn đánh bại bức tượng Chúa Giêsu khổng lồ ở Cochabamba, Bolivia, cao 40,44m.

Ngày khánh thành chính thức của bức tượng hiện chưa được công bố nhưng các nguồn tin báo chí trước đó nói rằng buổi lễ sẽ diễn ra vào ngày 21/11.

Chi phí cho toàn bộ dự án được ước tính lên tới 1,5 triệu USD và số tiền này được quyên góp thông qua các khoản tài trợ cá nhân.

Bức tượng là ý tưởng của một linh mục địa phương, Sylwester Zawadzki, 78 tuổi. Kế hoạch dựng tượng đã gây chia rẽ tại Ba Lan. Những người phản đối dự án cáo buộc linh mục Zawadzki mắc chứng hoang tưởng tự đại.

Tuy nhiên, nhiều người dân tại Swiebodzin lại hoan nghênh dự án, cho rằng bức tượng sẽ thu hút người hành hương tới thị trấn. Họ cũng tin rằng bức tượng sẽ đưa thị trấn nhỏ với 22.000 dân có mặt trên bản đồ du lịch thế giới và giúp thúc đẩy du lịch, mang lại nguồn thu cho thị trấn nhằm tu bổ các tòa nhà cổ ở trung tâm thị trấn.

Bức tượng nằm cách biên giới Đức-Ba Lan 50km và có thể được nhìn thấy từ đường quốc lộ A2 nối 2 thủ đô Warsaw và Berlin.




Cần trục đặt phần thân, cánh tay và đầu của bức tượng vào vị trí


Sau đó đến phần đầu tượng có mũ miện vàng được kéo lên



Việc đặt các phần còn lại vào bức tượng đã diễn ra thành công hôm 6/11/2010


Đông đảo người dân địa phương tới xem quá trình đặt tượng


Người dân vỗ tay khi việc dựng lượng hoàn tất


Việc dựng tượng đã cơ bản hoàn tất


Bức tượng Chúa Giêsu cao tổng cộng 51m tính cả phần đế và mũ miện
An Bình
Theo AP, AFP

10/1/12

Thánh đường Cộng đoàn Thánh Danh - Giáo xứ Kiên Lao

Cộng đoàn Thánh Danh trước đây là Giáo họ Kính Danh - giáo họ có số nhân danh đông nhất trong các Giáo họ của Giáo xứ Đền thánh Kiên Lao. Nhưng vì sự lớn mạnh không ngừng của Giáo họ và để hướng tới sự phát triển lâu dài trong tương lai, Giáo họ đã được Đức Giám Mục giáo phận nâng Giáo họ lên một tầm cao mới để thuận lợi cho việc sinh hoạt các nghi lễ với tên gọi: Cộng đoàn Thánh Danh.

Trải qua lịch sử phát triển lâu dài, ngôi Thánh đường cũ của giáo họ đã xuống cấp trầm trọng và trở nên nhỏ bé, không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt các nghi lễ của Giáo họ nữa. Với lòng mến Chúa và Đức Mẹ cùng với tinh thần đoàn kết gắn bó giữa các gia đình trong Giáo họ cũng như những người có tấm lòng vàng trong và ngoài Giáo xứ, năm 2004, Cộng đoàn Thánh Danh đã bắt tay vào khởi công xây dựng ngôi Thánh đường mới. Nhờ Ơn Chúa và Đức mẹ ban, sau gần 5 năm thi công liên tục, một ngôi Thánh đường mới của Giáo họ đã được hoàn thành với vẻ đẹp huy hoàng tráng lệ. Đây thật là niềm tự hào lớn lao của những người dân thuộc Cộng đoàn Thánh Danh.

Chúng ta có thể thấy vẻ đẹp của ngôi Thánh đường này qua một số hình ảnh dưới đây:






















Tác giả: Jos. Lương Nguyên - kienlao.tk




















9/1/12

Đẹp hơn, khoẻ hơn nhờ lạc quan yêu đời!

1. Cười nhiều

Một nụ cười bằng 10 thang thuốc bổ”.

Cười có thể tập luyện cho cơ bắp của vùng mặt, thay đổi tuần hoàn vùng mặt, từ đó giúp tăng tập trung.

Một nghiên cứu của các nhà khoa học Anh mới được công bố gần đây nhất cho thấy: mặc dù niềm vui không thể đem lại sự tươi trẻ như mong đợi, nhưng những người hàng ngày giữ được tâm trạng vui vẻ thì đích thực rất khỏe mạnh và giảm được nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường...

2. Tranh thủ nói chuyện

Tính cách cũng có thể ảnh hưởng tới sức khỏe.

Một nghiên cứu của Hà Lan chỉ rõ, trong công việc, người có tính cách nội tâm, hay xấu hổ, càng dễ cảm thấy mệt mỏi, còn người có thiên hướng bộc lộ ra ngoài thì thể lực càng đầy đủ.

Điều này là do người thích giao lưu với người khác, rất dễ phát hiện niềm vui và hứng thú. Họ đem những điều buồn bực, áp lực thể hiện ra hết bằng lời nói, từ đó giúp giảm stress.

Ngược lại, người thích yên tĩnh, độc lập, không thích giao lưu với người khác thì lại thiếu phương pháp giảm áp lực này. Qua thời gian sẽ tích tụ gánh nặng, áp lực chồng chất đầy mình.

3. Ngồi đúng tư thế

Tư thế ngồi không đúng, đi thì chân nam đá chân chiêu, vai gù bụng phệ… là những biểu hiện cho thấy năng lượng trong người đang cạn.

Ngồi làm việc tại văn phòng, nếu không giữ đúng tư thế ngồi thì sẽ càng thêm mệt mỏi. Vậy nên bất luận là đứng hay ngồi, thì bạn cũng nên hóp bụng thẳng eo lưng, thư giãn hai tay, cổ hơi dướn về phía trước.

4. Làm việc kết hợp nghỉ ngơi

Khi công việc trục trặc, nhất thời, không thể giải quyết được, bạn nên nghỉ ngơi một lúc, ví dụ như đi rót một cốc nước uống, thư giãn đầu óc, rồi mới tiếp tục.

Bận rộn và mệt thường dẫn tới quên thở, thì nên hít sâu vào (đếm đến 3) và sau đó thở ra (đếm đến 6), hoặc xem một cuốn tạp chí thể thao, lên mạng đọc các tin tức giải trí, hài hước, hoặc tìm bạn “chat chít” vài câu…

5. Đứng dậy nghe điện thoại

Đứng dậy nghe điện thoại để thư giãn thư giãn gân cốt, đồng thời hít thở sâu giúp ôxy được đưa lên não.

Sự thay đổi đơn giản này có thể làm cho bạn tràn đầy sinh lực trong suốt mấy tiếng đồng hồ.

6. Vừa tắm vừa hát

Khi tắm hát to lên thành tiếng có thể thúc đẩy cơ thể bài tiết các chất không có lợi, từ đó, sinh ra cảm giác vui vẻ và hạnh phúc, giảm nhẹ áp lực.

Nếu tâm trạng càng không thoải mái, thì càng nên hát to lên.

7. Kết bạn với người lạc quan

Những người lạc quan, tràn trể sinh lực, thì ai gặp cũng thích. Thái độ tích cực của họ sẽ truyền được sang cho những người xung quanh.

Ngoài những người thông minh, tài giỏi, nên kết bạn với những người tràn đầy nhiệt huyết, có chí tiến thủ.

Ở cạnh một người bi quan, thích oán trách người khác, khoảng 30 phút thì năng lượng của cơ thể cũng sẽ bị gián tiếp tiêu hao hết.

8. Việc lớn thành bé

Có thể bạn sẽ xong hết việc trong khoảng thời gian ngắn nhất, nhưng hậu quả là bạn thấy kiệt sức.

Hãy chia công việc thành nhiều phần, sắp xếp theo trình tự và thực hiện theo từng giai đoạn và đừng quên nghỉ ngơi một lúc giữa các phần việc.

Như thế, vừa giữ được thể lực, lại vừa có thể nâng cao hiệu suất công việc, đồng thời, còn có thể đẩy nhanh tiến độ công việc.

9. Để sáp thơm trong nhà

Đặt sáp thơm ở một số nơi trong nhà hay trong xe ô tô, có thể làm cho tinh thần hưng phấn, đầu óc tỉnh táo, tăng cường trí nhớ, đồng thời có thể chữa trị được bệnh đau đầu và đau nửa đầu.

theo Eva

Chúa ban


Chúa ban cho miệng lưỡi

để nói những điều hay.

Chúa ban cho đôi tay

để làm những việc thiện.

Chúa ban cho đôi chân

để bước đi xa gần.

Chúa ban cho đôi tai

để biết nghe điều phải.

Chúa ban cho đôi mắt

để nhìn đời vui tươi.

Chúa ban cho nụ cười

để giúp người vui vẻ.

Chúa ban cho sức khoẻ

để giúp đỡ anh em.

Tác giả: Jos. Hồng Ân

Giữa một Thế giới...

7/1/12

Sở Kiện trong dòng thời gian (1862 - 2011)

Nhà thờ Kẻ Sở *
Nhà thờ Kẻ Sở xưa là Nhà Thờ Chính Tòa của địa phận Tây Đàng Ngoài (Hà Nội) mang tước hiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm. Khởi công xây dựng vào ngày 25 tháng 10 năm 1877 và khánh thành vào tháng 1 năm 1883, dưới sự chỉ đạo của Đức Cha Puginier Phước (1835 - 1892).
Với kích thước dài 67m20, rộng 31m20, cao 23m20, nhà thờ có 5 lòng, gồm 9 gian, 4 hàng cột, trần hình cung nhìn cao vút theo kiến trúc Gô-tích. Giống như hầu hết các kiến trúc nhà thờ ở tây phương, nhà thờ này cũng có các ô cửa kính màu vẽ các thánh hoặc các sự kiện trong Kinh Thánh. Bàn thờ sơn son thiếp vàng. Vách quanh bàn thờ trang trí bằng gỗ chạm rất tỉ mỉ.
Nhà thờ được xây trên một cái đầm, bên dưới có một nền bằng các phiến gỗ lim. Do nhà thờ quá nặng nên theo dòng thời gian đã lún dần và lún đều, nay trông như thấp hơn các nhà xung quanh khoảng 1 mét. Khuôn viên xung quanh nhà thờ rộng khoảng 9 hecta.
Ngọn tháp cao 27m, treo bốn quả chuông. Quả lớn nhất nặng 2.461kg, quả nhỏ nhất là 318kg. Vào ngày lễ, người ta phải huy động đến cả chục thanh niên trai tráng đến kéo bốn quả chuông này. Quả chuông lớn được người dân ở đây gọi là chuông "Bồng" (phiên âm từ tiếng Pháp: Bourdon).
Nhà thờ Kẻ Sở nằm cách thị trấn Phủ Lý – tỉnh Hà Nam khoảng 5 km và cách Hà Nội khoảng 65 Km về phía Nam. Mặt tiến nhà thờ có đồng hồ với tiếng chuông điểm giờ, khi chuông vang lên cả thị trấn đều nghe rõ. Trên cung thánh có mộ các Đức cha: Retord Liêu (1803 - 1858), Theurel Chiêu (1829-1868), Puginier Phước (1835 - 1892) và Gendreau Đông (1850 -1935).
Giáo xứ Kẻ Sở ngày nay gọi là Sở Kiện, vì bao gồm hai làng Sở và làng Kiện hợp lại. Dân làng Sở làm nghề nông nghiệp còn dân làng Kiện sống ở thị trấn Kiện Khê, với nghề buôn bán và chẻ đá nung vôi. Ngày này đời sống ở đây đã từng bước đi vào công nghiệp hóa do có nhiều nguồn đầu tư của các nhà máy khai thác đá và xi-măng.
Kẻ Sở xưa kia không những là thủ phủ hành chánh về mặt tôn giáo cho toàn Địa Phận Tây Đàng Ngoài, mà còn là một trung tâm văn hóa công giáo cho cả Đàng Ngoài qua hai sinh hoạt độc đáo: Nhà In và Đại Chủng Viện.
Nha_inNhà In
Để phục vụ cho việc truyền giáo, các đấng Bề Trên từ khi chọn Kẻ Sở làm nơi đặt Tòa Giám Mục cho Địa phận Tây Đàng Ngoài đã nghĩ ngay đến việc phải mở một Nhà In. Nhà in này do Đức Cha Puginier Phước, một người có kinh nghiệm về việc ấn loát, lập nên vào năm 1868, thời điểm ngài được đặt làm giám mục phó cho Đức Cha Theurel Chiêu (1829-1868).
Theo lược tính, Nhà In Kẻ Sở từ khi được thành lập đã xuất bản trên 100 đầu sách thuộc đủ loại : học tiếng Pháp, học tiếng La-tinh, triết học, thần học, giáo sử, sách kinh, phụng vụ, Kinh Thánh...Ngoài ra Nhà In còn xuất bản các loại sách giáo khoa dùng cho các trường học liên quan đến các bộ môn như: vật lý học, văn chương, văn phạm, toán học, địa lý.
Từ khi có Nhà In, Tòa Giám Mục Kẻ Sở đã không chỉ sử dụng phương tiện này để truyền bá Tin mừng mà còn để phổ biến kho tàng văn hóa và văn minh nhân loại cho dân tộc Việt Nam.
DCV_2Đại Chủng Viện
Vào năm 1897, Tràng lý đoán Kẻ Sở chính thức được thiết lập để giúp vào việc đào tạo các linh mục cho Địa phận Tây Đàng Ngoài cho đến lúc chuyển lên Hà Nội vào năm 1934. Theo sử liệu thì vào ngày 31 tháng 3 năm 1935, vẫn còn lễ truyền chức cho 6 linh mục, 1 thầy phó tế, 7 phụ phó tế, 20 chức nhỏ và 4 chức cắt tóc. Sau 40 năm hoạt động, Đại chủng viện đã làm tròn nhiệm vụ cao cả là đào tạo biết bao linh mục và giám mục cho Địa phận Tây Đàng Ngoài nói riêng và cho Giáo Hội tại Việt Nam nói chung.
Sở Kiện hôm nay
Vào những năm 1934 - 1936, Nhà Thờ Chính Tòa được chuyển lên Hà Nội, nên nhà thờ Sở Kiện không còn là Nhà Thờ Chính Tòa và sau đó chỉ còn là nhà thờ của giáo xứ Sở Kiện. Đại Chủng Viện và Tòa Giám Mục cũng dời về Hà Nội. Sở Kiện không còn đóng vai trò trung tâm của Tổng Giáo Phận Hà Nội nữa, quần thể Sở Kiện không có ai coi sóc thường xuyên nên xuống cấp theo dòng thời gian.
Nha_Truyen_Thong_So_KienSau này, Nhà thờ Sở Kiện đã được Tổng Giáo Phận cho trùng tu lần đầu vào năm 1990. Vào năm 2008, Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt chỉ định Sở Kiện là Trung tâm Hành hương các Thánh Tử Đạo của Tổng Giáo Phận Hà Nội và đệ trình văn thư xin Thánh Bộ Phụng Tự nâng nhà thờ này lên tiểu Vương Cung Thánh Đường.
Năm 2010, kỷ niệm 350 năm truyền giáo và 50 năm thiết lập hàng Giáo phẩm Việt Nam, Sở Kiện đã được chọn là nơi tổ chức Thánh lễ khai mạc Năm Thánh 2010, diễn ra vào ngày 24 tháng 11 năm 2009, một sự kiện đã làm cho Sở Kiện đi vào trang lịch sử hào hùng của Giáo Hội tại Việt Nam.
Tiếp đến, từ ngày 1- 6 tháng 6 năm 2010, tại Trung tâm Sở Kiện đã diễn ra ngày " Hội ngộ linh mục Giáo tỉnh Hà Nội Năm Thánh 2010", quy tụ gần 820 linh mục đến từ 10 giáo phận của Miền Bắc. Sở Kiện tiếp tục trở thành điểm hẹn cho một " cuộc lên đường mới với lòng nhiệt thành và những dự phóng mục vụ mới được gợi hứng do Chúa Thánh Thần" (trích Kỷ yếu hội ngộ linh mục Giáo tỉnh Hà Nội) của các vị mục tử trong sứ mạng dẫn dắt đoàn chiên của Chúa tiến vào công cuộc truyền giáo mới của Giáo Hội.
Nam_Thanh_2010Đặc biệt, vào ngày 24 tháng 6 năm 2010, Tòa Thánh với sắc lệnh của Thánh Bộ Phụng Tự đã nâng nhà thờ Sở Kiện thành tiểu Vương Cung Thánh Đường với tước hiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.
Sau khi nhận được sắc lệnh của Thánh Bộ Phụng Tự, Đức Tổng Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đã gửi thư ngỏ mời gọi mọi thành phần dân Chúa trong Tổng Giáo phận Hà Nội chung tay góp phần trung tu ngôi nhà thờ tại Trung Tâm Hành Hương Các Thánh Tử Đạo Sở Kiện để xứng đáng cho ngày công bố Tiểu Vương Cung Thánh Đường vào đúng lễ Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội (08/12/2011).
Cụ thể, vào ngày Lễ Đức Mẹ Linh Hồn và Xác lên Trời - 15 tháng 8 năm 2011, các giáo xứ và giáo họ trong toàn TGP đã dâng lời cầu nguyện và quyên góp tiền để giúp cho việc trung tu được hoàn thành đúng với thời gian của ngày lễ công bố quyết định của Tòa Thánh về việc nâng Ngôi Thánh Đường Sở Kiện thành Tiểu Vương Cung Thánh Đường.
So_kienSau khoảng thời gian tám tháng thực hiện việc trùng tu ngôi thánh đường Sở Kiện, việc trùng tu đã hoàn thành giai đoạn I để sẵn sàng cho ngày đại lễ. Những hạng mục đươc trùng tu bao gồm: Trần nhà thờ và tường bên trong nhà thờ được trát và quét sơn màu sáng. Sơn son thiếp vàng các bức họa bằng gỗ và bàn thờ chính. Các cửa kính của nhà thờ được thay bằng kính màu. Bàn thờ tế lễ được làm bằng đá với bức phù điêu "Chúa Giêsu và hai môn đệ Emmaus" bằng đồng được đặt giữa Cung thánh. Hệ thống âm thanh và đèn chiếu sáng cũng đã được lắp đặt hoàn hảo. Công việc cuối cùng là lát lại nền nhà thờ và sắp đặt ghế ngồi đã hoàn thành.
Vào lúc 9 giờ 30 sáng ngày 8 tháng 12 năm 2011, Nhà thờ Sở Kiện đã chính thức được công bố sắc lệnh nâng lên hàng Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.
*Tham khảo "25 Giáo phận Việt Nam", Lm Trần Phúc Long.
Nguồn: tonggiaophanhanoi